Với mục tiêu đến năm 2025 Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án công nghiệp.
|
Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút các nhà đầu tư. |
Đầu năm 2021, dù dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, tuy nhiên, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 khu công nghiệp mới gồm: Khu công nghiệp Sông Lô I, Khu công nghiệp Sông Lô II, Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn – Liên Hòa (khu vực II, giai đoạn I), Khu công nghiệp Tam Dương I (khu vực 2) và khu công nghiệp Nam Bình Xuyên, nâng tổng số khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư lên 14 khu, tổng diện tích trên 2.773ha.
Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp, đến hết ngày 30/3, các khu công nghiệp thu hút 272 dự án FDI, 44 dự án DDI thuộc 5 lĩnh vực sản xuất chủ yếu là sản xuất và lắp ráp ôtô, xe máy; công nghiệp phụ tùng ôtô, xe máy; công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử; dệt may; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho trên 94 nghìn lao động. Đặc biệt, mức đóng góp cho ngân sách tỉnh hằng năm của các doanh nghiệp liên tục tăng, từ 1.799 tỷ đồng năm 2010, tăng lên hơn 9.588 tỷ đồng năm 2018.
Riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng dòng vốn đầu tư FDI vào Vĩnh Phúc tiếp tục tăng. Các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp vẫn đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 2.876 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019; các doanh nghiệp DDI đóng góp trên 243,32 tỷ đồng.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu hút thêm từ 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI và từ 20-25 nghìn tỷ đồng vốn DDI, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp xây dựng các chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp cho từng năm, theo giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, Vĩnh Phúc sẽ thu hút thêm khoảng 25 dự án FDI và 10 dự án DDI.
Việc thực hiện theo đúng lộ trình sẽ giúp Vĩnh Phúc đến năm 2025 thu hút được 5,88 tỷ USD vốn đầu tư các dự án FDI vào các khu công nghiệp. Doanh thu của các dự án đạt 5,46 tỷ USD, tăng 1,2 lần so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD. Nộp ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 1,1 lần so với năm 2020. Từ đó sẽ giải quyết việc làm.cho trên 115 nghìn lao động trong tỉnh.
Với các dự án DDI, nếu bình quân mỗi năm thu hút thêm 10 dự án thì đến năm 2025, các khu công nghiệp thu hút được 23.518 tỷ đồng dự án DDI. Doanh thu của các dự án đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt 90 tỷ đồng, tăng 1,5 lần. Nộp ngân sách đạt 535 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2020 và giải quyết việc làm cho trên 7,3 nghìn lao động.
Để đạt mục tiêu thành lập thêm từ 3-5 khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh phát triển nhà ở công nhân; tăng cường và nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp. Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại tỉnh để giới thiệu đến các nhà đầu tư khác. Tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường, công nghệ năng lượng mới, dự án dịch vụ khu công nghiệp. Không tiếp nhận, cấp phép cho những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Cùng với đó, ưu tiên thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Bá Thiện II, Bình Xuyên II, Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện – phân khu 1. Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cấp phép đầu tư trong khu công nghiệp, tạo môi trường đầu tư hiệu quả thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư mới.
Triển khai kế hoạch thu hút đầu tư năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức tăng tăng cường công tác quản lý các dự án sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quản lý chặt chẽ lao động làm việc tại các doanh nghiệp khu công nghiệp, nhất là lao động nước ngoài trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh phát triển tổ chức công đoàn cơ sở và phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc bảo đảm quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động, giảm thiểu đình công, lãn công nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư.
Đồng thời, tỉnh cũng huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân tại các khu công nghiệp để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Trong quá trình đầu tư nếu có vướng mắc, các nhà đầu tư có thể liên hệ trực tiếp tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Giám đốc Sở, ban, ngành để giải quyết.
Nguồn: Báo Xây Dựng