Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là động lực quan trọng để phát triển KT - XH, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hoàn thiện các công trình theo chương trình phát triển hệ thống hạ tầng khung đô thị, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các địa phương và hình thành các tuyến giao thông liên kết Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành trong khu vực...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thiện hạ tầng kĩ thuật giao thông khung đô thị, giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành hơn 13.100 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn khác cho lĩnh vực này. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương dồn sức huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên hoàn thiện hạ tầng kĩ thuật giao thông khung đô thị. Theo đó, nhiều dự án thuộc nhóm hạ tầng đô thị được triển khai đầu tư, cải tạo như: Hệ thống đường vành đai 1, 2, 3; đường tỉnh 310, đoạn từ khu công nghiệp Bá Thiện - Đạo Tú; đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; đường trung tâm chuỗi công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Xuyên - Yên Lạc - Vĩnh Tường... Nhiều tuyến đường hướng tâm, đường nội thị chính tiếp tục được đầu tư xây dựng.
Đại lộ Kim Ngọc - Quốc lộ 2 - của TP Vĩnh Yên vừa được nâng cấp mở rộng
Trong đó, tuyến Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Nội Bài; Quốc lộ 2C đi Tuyên Quang; Quốc lộ 2C đi Sơn Tây... đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, góp phần giảm thiểu về tai nạn giao thông và thúc đẩy phát triển KT- XH của địa phương. Điển hình như dự án đường Hợp Thịnh - Đạo Tú, đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh triển khai năm 2014 (dự án có điểm đầu nối với Quốc lộ 2A tại km 40 và điểm cuối nối với km 27 của Quốc lộ 2C, có chiều dài hơn 9 km với tổng mức đầu tư gần 600 tỉ đồng). Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án không chỉ góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân các địa phương, mà còn hình thành vành đai 5 kết nối TP Hà Nội với xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) và khu du lịch Đại Lải Flamingo (Phúc Yên); đồng thời, tạo kết nối với các tuyến giao thông quan trọng khác như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2B, Tỉnh lộ 310... tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT- XH của tỉnh.
Cùng với tham mưu làm tốt công tác quy hoạch, các sở, ngành thực hiện tốt công tác quản lí, chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thực hiện các dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, đưa vào khai thác, sử dụng kịp thời, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Các công trình hoàn thành đều được các đoàn thanh tra, kiểm toán kiểm tra đánh giá đáp ứng yêu cầu về chất lượng rồi mới được bàn giao và đưa vào khai thác, sử dụng.
Như vậy, trong 3 năm (2016- 2018) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của tỉnh đã và đang được cải tạo, nâng cấp, xây mới, góp phần đưa hệ thống giao thông khung của các đô thị, giao thông diện rộng của tỉnh được hoàn thiện, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa giao thông quốc gia với giao thông của tỉnh, tạo điều kiện giao lưu KT- XH với các tỉnh, thành phố lân cận và kết nối hiệu quả giữa các vùng đô thị với các vùng nông thôn trong tỉnh.
Mặc dù mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh cơ bản đã được hình thành theo quy hoạch, với tổng chiều dài gần 7.000 km, trong đó có 4 tuyến Quốc lộ đi qua với chiều dài 113 km, 18 tuyến Tỉnh lộ, với chiều dài trên 330 km, hơn 180 km đường đô thị, tỉ lệ đường nhựa hoá đạt 100%... được phân bổ khá hợp lí, bảo đảm giao thông thông suốt. Song, để xây dựng được hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, giải quyết được những vấn đề về phát triển đô thị trong tương lai, góp phần hướng tới trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và TP Vĩnh Phúc trong những năm 20 của thế kỉ XXI, ngành giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc phải tập trung hoàn chỉnh 3 đường vành đai, 10 trục hướng tâm và các tuyến đường nội thị chính; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, Vĩnh Yên - Phúc Yên; đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc (nút giao IC5 giữa đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Quốc lộ 2); cầu Trung Hà nối Vĩnh Phúc với Hà Nội, đường vành đai 2, vành đai 3, đường song song đường sắt, đường Tây Thiên - Tam Sơn... Xây dựng một số tuyến đường trong quy hoạch giao thông vận tải, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.