TP. HCM sẽ tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công và các đề án ưu tiên thực hiện. Trong đó, sắp xếp danh mục dự án đầu tư công trong 4 năm 2022-2025, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, tiếp tục trình Chính phủ duyệt cho phép tăng vốn đầu tư công trung hạn 261.968 tỷ đồng.
Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025 mà UBND TP HCM vừa ban hành, TP HCM xác định giai đoạn phục hồi từ nay đến hết năm 2022 và giai đoạn phát triển từ năm 2023 đến năm 2025.
Để thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển, TP HCM thực hiện nhiều nhóm giải pháp.
Thành phố tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công và các đề án ưu tiên thực hiện. Trong đó, sắp xếp danh mục dự án đầu tư công trong 4 năm 2022-2025, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, tiếp tục trình Chính phủ duyệt cho phép tăng vốn đầu tư công trung hạn 261.968 tỷ đồng, cao hơn mức đã được Thủ tướng phê duyệt (142.557 tỷ đồng) giai đoạn 2022-2025; năm 2022 dự kiến đầu tư công là 42.508 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư công của cả nước 2.870.000 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025).
Đối với nhóm giải pháp liên kết vùng, thành phố hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt tập trung hoàn thành đường Vành đai 2 khép kín, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và 4; tuyến Metro số 1, số 2; cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô, cũng như giữa thành phố và các địa phương lân cận.
Triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM-Mộc Bài (Tây Ninh), thành phố đẩy mạnh tiến độ khởi công tuyến cao tốc này để phát triển kinh tế biên mậu, phát triển du lịch nội địa; mở rộng tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, tuyến đường kết nối các tỉnh; trước mắt, kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đáng chú ý, giai đoạn này, TP HCM xác định một số dự án trọng điểm gồm: dự án đường sắt Đô thị (tuyến Metro 1); xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại, mua sắm của cả nước và khu vực, kết nối khu trung tâm thương mại hiện hữu Quận 1 với khu trung tâm mở rộng tại Quận 7 và khu trung tâm thương mại Thủ Thiêm.
Đồng thời, TP HCM triển khai chương trình hành động thu hút vốn trung dài hạn trong và ngoài nước thông qua dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, kết nối giữa trung tâm tài chính hiện hữu tại Quận 1 và trung tâm tài chính đặt tại Thủ Thiêm; triển khai chương trình phát triển thành phố Thủ Đức trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo-cực tăng trưởng.
(Theo CafeF).
https://cafef.vn/sap-toi-tp-hcm-khoi-dong-hang-loat-duong-vanh-dai-metro-va-cao-toc-20220120004242742.chn).