Theo Colliers, bất động sản công nghiệp và hậu cần trong khu vực tiếp tục thể hiện sức hút vô cùng lớn với các nhà đầu tư trong năm 2022. Trong khi đó, thị trường văn phòng tại các đô thị lớn cũng sẽ có những dấu hiệu tích cực.
Năm huy hoàng của bất động sản công nghiệp và hậu cần
Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, nhiều nhà đầu tư sẽ triển khai các kế hoạch đầy tham vọng đã bị trì hoãn do COVID-19. Dòng vốn xuyên biên giới sẽ quay trở lại khi hoạt động du lịch và kinh doanh dần phục hồi.
Piyush Gupta, Giám đốc Điều hành Thị trường Vốn và Dịch vụ Đầu tư tại Colliers India, cho biết: “Đại dịch đã thúc đẩy một số xu hướng cơ cấu và sẽ có những thay đổi lâu dài về bản chất kinh doanh bất động sản. Điều này tạo ra một số cơ hội cho các nhà đầu tư muốn làm mới danh mục hoặc điều chỉnh chiến lược sang các lĩnh vực có mức tăng trưởng tốt. Một số lĩnh vực hút vốn như nhà ở, khu công nghiệp, bất động sản phục vụ khoa học đời sống, hay các trung tâm dữ liệu. Cơ hội sẽ tăng lên với những nhà đầu tư có chiến lược phù hợp với những thay đổi về mô hình làm việc và thói quen tiêu dùng tại từng khu vực”.
Nhìn chung, bất động sản công nghiệp và hậu cần sẽ là loại hình triển vọng nhất trong khu vực, với hơn 20% nhà đầu tư dự đoán lãi vốn sẽ tăng từ 10% -20% với các bất động sản giá trị gia tăng (value-add, có mức độ rủi ro cao) vào năm 2022, được hỗ trợ bởi các xu hướng và chuyển đổi quy mô kinh tế.
Nhà ở và văn phòng được săn đón
Bất động sản văn phòng sẽ là lựa chọn đầu tư hàng đầu trên toàn thế giới. Trong khu vực, các văn phòng phù hợp với chiến lược cốt lõi cộng (core-plus, có mức độ rủi ro vừa), sẽ là loại tài sản phổ biến tại các thành phố cấp một như Singapore, Sydney và Tokyo. Theo Colliers, 63% số người được hỏi cho biết họ có kế hoạch đầu tư vào những tài sản này, tăng mạnh so với 54% vào năm ngoái.
Sức hấp dẫn của các văn phòng đến từ thực tế nhu cầu hiện tại, đặc biệt là ở các thành phố có cơ sở hạ tầng và giao thông phát triển mạnh mẽ cùng tiện ích phong phú. Bên cạnh đó, loại hình BĐS này dễ giúp nhà đầu tư triển khai vốn ở quy mô lớn.
Chi phí xây dựng tăng cao, được 4/5 (81%) nhà đầu tư xem là một điểm khó khăn nhưng cũng đầy cơ hội khi đầu tư vào văn phòng. Bởi điều này sẽ hạn chế khả năng xây mới và cải tạo các tòa nhà, làm tăng nhu cầu đối với nguồn cung hiện có.
Nhà chung cư và bất động sản xây để cho thuê (built to rent) cũng là một loại tài sản ngày càng được ưa chuộng, phù hợp với các nhà đầu tư theo đuổi các chiến lược cốt lõi và phát triển. Ở Nhật Bản, đây là một tài sản đầu tư phổ biến và từ lâu đã thu hút được nguồn vốn từ nước ngoài. Trong khi đó, Úc lại là một thị trường mới nổi và có nhiều cơ hội phát triển.
Sự trở lại của bất động sản bán lẻ và các bất động sản đặc thù
Theo Colliers, các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng đáng kể trong việc tăng giá và tái định vị các bất động sản bán lẻ. Khoảng 1/3 số người cân nhắc đổ vốn vào thị trường này đang hướng tới các khoản đầu tư mang tính cơ hội (bao gồm cả việc chuyển đổi mục đích sử dụng của bất động sản). Khách sạn cũng là một mục tiêu khác thu hút sự quan tâm của 38% nhà đầu tư. Những điểm đến hấp dẫn để đầu tư là những nơi có thị trường nội địa lớn như Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.
Các bất động sản đặc thù, gồm trung tâm dữ liệu, khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe, dự kiến sẽ tăng khối lượng đầu tư vào năm 2022. Loại hình nhà ở sinh viên cũng sẽ phục hồi khi Úc, thị trường chính của khu vực, mở cửa cho du khách quốc tế.
“Năm 2021 chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với các loại bất động sản mới như trung tâm dữ liệu và khoa học đời sống. Các công ty quản lý dữ liệu toàn cầu, các nhà phát triển và các nhà quản lý tài sản thay thế đã thành lập nhiều liên doanh và nền tảng chiến lược để phát triển và vận hành các trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, bất động sản bán lẻ và khu phức hợp cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và chiếm gần một phần tư tổng số vốn trong 9 tháng đầu năm năm 2021 nhờ lợi nhuận và tính ổn định. Tài chính xanh cũng sẽ tăng trưởng trong năm tới khi các nhà phát triển, chủ sở hữu và nhà đầu tư bất động sản theo đuổi xu hướng bền vững”, Vimal Nadar, Giám đốc cấp cao & Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Ấn Độ tại Colliers, cho biết thêm.
Các tiêu chuẩn ESG ngày càng quan trọng
Báo cáo của Colliers cũng cho thấy các cân nhắc về ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vẫn là một chủ đề nổi bật, với gần 3/4 nhà đầu tư được khảo sát trên toàn cầu đã tích hợp các yếu tố môi trường vào chiến lược đầu tư. Cách làm có chủ đích này vừa là một phương tiện bảo vệ tài sản trong tương lai, cũng là cách đối phó với các áp lực kêu gọi họ phải có hành động để giải quyết các vấn đề về khí hậu mà ngành này tạo ra.
ESG cũng sẽ trở thành một trọng tâm mạnh mẽ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời nó sẽ sớm trở thành ưu tiên trong lĩnh vực văn phòng, khi chính phủ và khách thuê là các doanh nghiệp gây áp lực cho các chủ sở hữu tòa nhà văn phòng phải tăng mức xếp hạng xanh và bền vững của các tòa nhà.
(Theo CafeLand: https://cafeland.vn/tin-tuc/2022-se-la-mot-nam-dac-biet-voi-dau-tu-bat-dong-san-tai-chau-a-thai-binh-duong-105261.html)