Samsung, cái tên không còn xa lạ với bất kỳ ai trong chúng ta ngày hôm nay. Được biết đến như một tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới, có số lượng điện thoại thông minh bán ra nhiều nhất toàn cầu. Xuất phát điểm từ cửa hàng rau và cá khô, Samsung đến nay đã phát triển thành tập đoàn chiếm đến 1/5 tỉ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc. Công ty con Samsung Electronics trong nhiều năm qua luôn là một trong những thương hiệu smartphone, TV và chip lớn nhất thế giới. Vốn hóa thị trường của công ty đạt hơn 270 tỉ USD với hơn 310.000 người lao động tại 74 quốc gia.
Được sáng lập bởi Chủ tịch Lee-Byung-chul vào năm 1938, Samsung khởi đầu là một công ty nhỏ với chỉ 40 nhân viên chuyên sản xuất và phân phối hàng hóa tại thành phố Deagu (Hàn Quốc). Đến năm 1960, Samsung bước chân vào thế giới công nghệ với sản phẩm đầu tay là chiếc tivi đen trắng. Khi ấy Samsung chỉ là một tên tuổi xa lạ nếu so với các thương hiệu tầm cỡ khác như Sony, Toshiba, Sharp, Hitachi... đều của Nhật Bản
Điều gì đã tạo nên một đế chế hùng mạnh như vậy
Trước khi có một cuộc lột xác ngoạn mục và vươn tầm thế giới, Samsung đã trải qua một thời gian dài chìm đắm trong trì trệ và chậm cải tiến. Việc mở rộng quy mô với việc thâm nhập thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu và xuất hiện trên các quầy kệ siêu thị không khiến Samsung trở nên một tay chơi toàn cầu. Trong giai đoạn những năm 80, rất nhiều sản phẩm phủ đầy bụi trong các đại siêu thị, nhân viên làm việc một cách uể oải và hầu như chỉ chờ đợi các chỉ thị từ cấp trên đã dần bộc lộ trong quá trình “go-global”. Việc thiếu đi tầm nhìn và yếu kém trong công tác quản trị khiến Samsung trở nên rất mong manh với sự thay đổi của thị trường.
Vậy đâu là giải pháp giúp Samsung vượt qua giông bão và có được vị thế sánh ngang với các tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới như hiện nay? Sự xoay chiều lịch sử này đến từ cuộc cách mạng của Lee Kun Hee, con trai thứ 3 của Chủ tịch Lee-Byung-chul – Người sáng lập tập đoàn Samsung. Lee Kun Hee chính là người tiên phong áp dụng rất nhiều quyết sách mang tính đột phá và vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay:
Thay đổi triệt để phương pháp quản lý nhân sự với câu nói nổi tiếng “Các anh hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con”:
- Tạo ra môi trường cạnh tranh & thúc đẩy sáng tạo: theo ông, có cạnh tranh thì mới có sự phát triển và phải cạnh tranh lành mạnh theo năng lực của mỗi người. Chính vì thế, đế chế Samsung có sự thay đổi cấp quản lý không ngừng. Đây chính là động lực của mỗi nhân viên của Samsung cố gắng mỗi ngày trong công việc mà mình theo đuổi và dấn thân. Theo thống kê, mỗi năm Samsung sa thải 5 – 10% nhân viên làm việc không hiệu quả, giáng chức 25 – 30% nhân viên và có 5 -10% nhân viên xuất sắc được bồi dưỡng để trở thành lãnh đạo cấp cao của tập đoàn.
- Linh hoạt thay đổi cách quản lý nhân sự theo từng giai đoạn: mỗi quý, Chủ tịch Samsung sẽ đưa ra những chiến lược phát triển công ty, chính vì thế việc quản lý nhân sự cũng thay đổi linh hoạt không ngừng để làm sao nhân viên đáp ứng được công việc hiệu quả nhất. Với mục tiêu trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất toàn cầu, Samsung không ngừng cải cách quản lý nhân sự để giữ chân người tài. Lee Kun Hee cũng được biết đến với phong cách làm việc “lạ đời” là chỉ làm việc ở nhà mà không đến cơ quan, buộc cấp dưới phải tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định đó. Điều này đã góp phần tạo ra tính kỷ luật cũng như văn hóa “luôn làm mới mình” của Samsung.
Chính sách đa dạng hóa về sản phẩm
Người xưa vẫn thường nói “Không nên cất toàn bộ trứng vào trong một rổ” và Samsung đã lĩnh hội triệt để yếu tố này. Samsung đã áp dụng một chiến dịch kinh doanh rất khác biệt so với các đối thủ khác như Apple, Google hay Microsoft – những nhà sản xuất chỉ tập trung vào sản phẩm “thế mạnh” như smartphone (Apple), phần mềm máy tính (Microsoft) hay dữ liệu người dùng (Google) – đó là tận dụng mọi ngõ ngách trong ngôi nhà của người tiêu dùng. Samsung không ngại thử nghiệm bất cứ điều gì, từ sản xuất điện thoại đến máy tính bảng, từ tủ lạnh đến máy rửa bát, TV, máy giặt... Các sản phẩm của Samsung phủ sóng mọi phân khúc thị trường đáp ứng mọi nhu cầu khác biệt của người dùng.
Trong khi Sony và LG không có nhiều phương án thay thế cho những sản phẩm đang thoái trào tại những thời khắc suy thoái hoặc thị hiếu người tiêu dùng thay đổi quá nhanh, Samsung sở hữu nhiều sản phẩm có thể hỗ trợ cho nhau và giúp thương hiệu này luôn giữ khách hàng với sự trung thành thương hiệu.
Chiến lược tiếp thị toàn cầu xuất sắc
Samsung là hãng tốn tiền quảng cáo nhiều nhất thế giới, khoảng 14 tỷ USD vào khâu tiếp thị và quảng cáo sản phẩm trong năm 2018, gấp 10 lần Apple trong cùng năm. Samsung xuất hiện trên khắp các mặt trận mà họ đánh hơi được, từ nhà tài trợ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea hay các chương trình ăn khách như "the X-factor" (Nhân tố bí ẩn), cuộc thi Olympics cho đến việc chiếm sóng giờ vàng trên các chương trình truyền hình cũng khiến tên tuổi Samsung trở nên “nổi như cồn” trên phạm vi toàn thế giới. Tại thời điểm xảy ra sự kiện thảm hoạ Galaxy Note 7 khiến Samsung tổn thất hơn 20 tỷ đôla Mỹ, danh tiếng tập đoàn tổn thất nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ niềm tin của người tiêu dùng, bằng nhiều chiến dịch truyền thông hiệu quả và nền tảng yêu thích thương hiệu có sẵn, Samsung đã ngăn chặn đà thất bại, vượt qua cú vấp ngã và giữ vững vị trí của mình trên đỉnh của lĩnh vực kinh doanh công nghệ.
Liệu Việt Nam có công ty đủ sức vươn tầm thế giới?
Trước khi đến với đáp án, chúng ta lược sơ qua 05 yếu tố nền tảng để một công ty bản địa có thể vươn ra thị trường quốc tế thành công và thực sự trở thành công ty đa quốc gia:
Yếu tố thành công 1: Năng lực đa văn hóa
Yếu tố hàng đầu và giữ vai trò quan trọng chính là năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên. Các kỹ năng mềm như khả năng phát triển và mở rộng mạng lưới quốc tế, quản lý đội nhóm đa văn hóa, thu hút khách hàng ở thị trường nước ngoài, học hỏi và thích ứng thành công với môi trường thay đổi nhanh chóng - ngày càng trở nên cấp thiết.
Yếu tố thành công 2: Sản phẩm và dịch vụ độc đáo, khác biệt
Khách hàng nào sẽ mua hàng từ nhà cung cấp nước ngoài, nếu các sản phẩm và dịch vụ không mang lại lợi ích khác biệt, chẳng hạn như giá cả hợp lý hơn, chất lượng tốt hơn hoặc hiệu suất cao hơn? Nếu các sản phẩm và dịch vụ không thể mang lại lợi ích thực sự, độc đáo và bền vững cho khách hàng và không được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và quy định mang tính địa phương, thì tốt nhất là chỉ nên phát triển tại thị trường trong nước.
Yếu tố thành công 3: Am hiểu thị trường để đưa ra những quyết định phù hợp
Những quyết định không dựa trên sự am hiểu thị trường mà vẫn đem đến kết quả tốt thì có thể là “sự may mắn”. Các quyết định về thị trường quốc tế cần được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp vì kinh nghiệm và kiến thức thị trường trong nước thường không phát huy được ở thị trường ngoài nước. Do đó, các quyết định cho thị trường quốc tế phải được tham chiếu trên sự kiện và số liệu của thị trường đó hơn là dựa trên kinh nghiệm lâu năm và kiến thức chuyên môn về thị trường trong nước.
Yếu tố thành công 4: Quy trình phát triển thị trường có cấu trúc
Theo quan sát, nhiều tổ chức không chuẩn bị và không cấu trúc sẵn sàng cho việc quốc tế hóa của họ. Do hoạt động kinh doanh hàng ngày và áp lực phải đem lại kết quả ngay lập tức nên các nhà quản lý thường bắt đầu quy trình quốc tế hóa mà không có kế hoạch phù hợp bằng cách liên hệ với mạng lưới của họ. Mặc dù, điều này không hẳn là sai hay đúng, nhưng trên lý thuyết và thực tế đã chứng minh rằng việc áp dụng quy trình phát triển thị trường có cấu trúc luôn dẫn đến kết quả tốt hơn và giúp công ty có được khách hàng mới ở các thị trường nước ngoài mới trong thời gian ngắn hơn, với ít tài nguyên hơn và rủi ro thấp hơn.
Yếu tố thành công 5: Quản lý rủi ro một cách hiệu quả
Các rào cản gia nhập thị trường như các quy định, đăng ký thủ tục, bộ máy hành chính, trách nhiệm pháp lý và các hình phạt bằng tiền đang tăng lên bất chấp các quan điểm trái ngược của các chính trị gia. Nhiều công ty quốc tế đã và đang phát triển bộ phận tuân thủ để nắm rõ những quy tắc phải tuân thủ và cách vận dụng vào hoạt động kinh doanh hàng ngày bên cạnh việc quản lý các rủi ro quốc tế truyền thống.
Xâu chuỗi các yếu tố thành công và câu chuyện cổ tích tại xứ sở kim chi mang tên Samsung, chỉ những công ty Việt Nam hội đủ các yếu tố sau mới có cơ hội thành công cao nhất cho quá trình tiến ra toàn cầu:
- Có năng lực vượt trội về khâu sản xuất, thiết kế sản phẩm trong đó sản phẩm có hàm lượng chất xám cao thay vì sơ chế hoặc ở dạng thô
- Đang là công ty đứng đầu ngành tại thị trường trong nước, có kinh nghiệm hợp tác với các thương hiệu đa quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Đặc điểm mô hình kinh doanh có thể mở rộng thêm nhiều nhóm ngành hàng khác nhau tạo ra hệ sinh thái cộng hưởng cho chuỗi sản phẩm/giá trị.
- Đã và đang áp dụng các quy tắc quản trị chuẩn mực toàn cầu nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt trong chiến lược thực thi. Thậm chí có thể đưa ra các điều chỉnh ngắn hạn ngay lập tức cho toàn tổ chức và dẫn dắt sự thay đổi mang tính quyết liệt
- Đặc tính sản phẩm, dịch vụ kinh doanh không quá mang tính rủi ro, nhạy cảm có thể gây xung đột với luật pháp các thị trường cần mở rộng
Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn gia nhập sân chơi toàn cầu với những tên tuổi có giá trị vốn hoá và/hoặc doanh thu tỷ đô. Điều này là tín hiệu rất đáng khích lệ khi chúng ta chỉ mới gia nhập WTO từ 2006. Là một quốc gia với gần 100 triệu dân, tính đến ngày 20/10/2020, Việt Nam có khoảng 36% dân số sống ở thành thị với độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi. Thị trường trong nước là chiến trường đầy tiềm năng để các công ty trong nước có dịp “tung hoành” trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Xét về lợi thế cạnh tranh nguồn lao động, người Việt Nam rất khéo tay và sáng tạo đặc biệt với các sản phẩm thể hiện tính thẩm mỹ, tinh tế. Kết hợp với sự phát triển về công nghệ, hy vọng trong tương lai không xa chúng ta có thể chứng kiến nhiều thương hiệu Việt vươn xa hơn trên phạm vi toàn cầu.