CHỌN SỰ NGHIỆP HAY CHỌN KHỞI NGHIỆP
Mỗi người sinh ra trên đời đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là sự cố gắng mỗi ngày không ngừng tiến về phía trước không chỉ cho bản thân mà còn cả gia đình, người thân. Nhưng, đã có bao giờ khi bạn ra trường và đi làm được 5 năm, 10 năm và dừng lại, tự hỏi chặng đường đã qua đã đúng hay chưa? Liệu nên tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp đã chọn hay rẽ ngang tự làm chủ bản thân với một mô hình kinh doanh nào đó?
Bài viết này không nhằm đưa ra một đáp án chung cho tất cả vì vốn dĩ chúng ta sinh ra mỗi người là một cá nhân khác biệt không hề có bản sao. Mỗi con đường đều tồn tại cơ hội và chứa đựng rủi ro riêng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn ra khiến rất nhiều sự việc thay đổi trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng cả những doanh nghiệp đa quốc gia cho đến các công ty khởi nghiệp bản địa. Sự thay đổi nhận thức đang bắt đầu diễn ra cho câu hỏi hiện sinh: Chọn sự nghiệp hay chọn khởi nghiệp?
Trước khi đi vào chi tiết, ta cần hiểu rõ các khái niệm:
- Sự nghiệp là một quá trình phát triển nghề nghiệp bao hàm việc học hỏi, làm việc và thăng tiến trong một lĩnh vực nhất định
- Lập nghiệp (Entrepreneurship): tự khởi xướng và tự làm chủ công việc, kinh doanh của bản thân
- Khởi nghiệp (Start-up): giống như lập nghiệp nhưng tập trung vào các ý tưởng đột phá có ứng dụng công nghệ với tốc độ phát triển thật nhanh (scalling)
Do cụm từ khởi nghiệp đang trở thành trào lưu gần đây nên trong phạm vi bài này, từ khởi nghiệp được hiểu bao trùm cho cả từ lập nghiệp.
Như đã đề cập ở bài viết số 01 (Link) trong chuỗi bài viết của chúng tôi, tỷ lệ thất bại của các startup thường dao động từ 80 đến 95%. Chỉ 3% số startup mới ra đời có được mộit số thành công thực sự như: có trên 100 nhân viên, doanh thu hơn 2 triệu USD/năm, được định giá từ 10 triệu USD trở lên, đã gọi vốn vòng 2 hoặc bán được công ty với giá tốt v.v... Trong số 3% này, 78% bắt đầu từ làm thuê hoặc đã khởi nghiệp thất bại 02 lần trước đó và thời gian thành công trung bình mất từ 5 đến 7 năm sau khi khởi nghiệp. Và đó là các số liệu trong quá khứ khi khởi nghiệp luôn được các quỹ đầu tư săn đón còn xã hội và công chúng dành sự quan tâm đặc biệt. Sau dịch Codid-19, không khó để nhận ra rất nhiều startup không còn trụ vững trước áp lực dòng tiền chi phí khi thị trường đóng băng hay không ít quán xá, kinh doanh nhỏ lẻ (thuộc mô hình lập nghiệp) phải đóng cửa. Rõ ràng, khởi nghiệp hay lập nghiệp đều là con đường hấp dẫn nhưng chứa đựng vô vàn chông gai và rủi ro.
Trái với khởi nghiệp, sự nghiệp chính là một con đường (career path) nơi bạn từng bước phát triển bản thân, nơi có nhiều đồng nghiệp cùng đồng hành và rất nhiều rủi ro đã được giảm thiểu dưới lớp bảo vệ của doanh nghiệp.
1. Bước những bước đầu tiên: Keep Moving
Những bước đầu tiên bạn cần làm biết là gì không? Đơn giản thôi, là “làm”. Làm, làm gì cũng được, làm ít làm nhiều cũng được, làm lương thấp lương cao cũng được, miễn nó hợp pháp, không trái đạo đức, không trái nhân cách là được. Bởi chỉ có làm chúng ta mới vỡ ra được những thứ mạnh, yếu của bản thân, để có thể bước tiếp hay “rẽ trái”, “rẽ phải”. Hãy chọn những công việc, những nơi cho chúng ta cơ hội va chạm, cơ hội thử thách, thậm chí cả những cơ hội làm sai. Việc gia nhập một môi trường đủ lớn để thỏa sức khám phá và trải nghiệm cũng không phải là quá khó khăn, rất nhiều công ty to lớn ngoài kia đang trống chỗ. Nhưng một môi trường sẵn sàng lắng nghe, tôn trọng và chào đón ý tưởng từ nhân viên cũng không quá nhiều. Hãy bước tới, tự do, không ngại sai lầm nhưng cũng đừng để thất bại quá nhiều, ý chí sẽ mai một dần đấy.
Nếu bạn còn trẻ hãy trải nghiệm càng nhiều càng tốt.
2. Đã bắt đầu thấy con đường, hãy tìm cho mình một phương tiện hỗ trợ.
Sau những tháng năm trải nghiệm, chân đã bắt đầu quen nhịp, cơ thể đã linh hoạt hơn và cái đầu đã chứa đựng được nhiều thông tin hơn. Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn lại đoạn đường chúng ta đã đi qua, con đường chúng ta sẽ đi tiếp và quan trọng hơn hết có cách nào hay phương tiện nào giúp chúng ta đi nhanh hơn được không? Với những nền tảng kiến thức, kỹ năng chuyên môn hiện tại, hãy tìm cho mình một doanh nghiệp uy tín, vững mạnh và thực sự có tiếng tăm trên thị trường. Việc này không những giúp cho hồ sơ (profile) của bạn đẹp hơn mà quan trọng nhất là ở nơi đó bạn có thể chứng minh bản thân và học thêm những điều to lớn hơn nữa.
Nếu bạn trưởng thành, hãy nắm bắt cơ hội để được cống hiến ở một công ty uy tín và có chất lượng cả về sản phẩm, kinh doanh và môi trường làm việc.
3. Bạn đã thấy được cái đích mà mình muốn tiến đến rồi chứ?
Đã đến lúc bạn không chỉ đi một mình trên con đường này nữa hoặc không còn đi theo sự chỉ dẫn của ai nữa. Lúc này, bạn chính là người sẽ chỉ dẫn cho người khác, là thời điểm trở thành một người dẫn đầu. Từ đoạn đường này, chúng ta không chỉ đơn giản là ghi thành tích, mà là ghi dấu ấn. Bởi những quyết định của bạn không còn ảnh hưởng nhỏ lẻ đến bạn hay team của bạn nữa, mà nó ảnh hưởng đến cả một tập thể. Và một nơi có thể giúp bạn tạo được dấu ấn cuộc đời càng không phải dễ tìm.
Nếu bạn bước vào giai đoạn chin muồi của sự nghiệp: hãy chọn một không gian thật lớn thật hoài bão, có nguồn lực thực thi để hoàn thành ước mơ cuộc đời.
Chúng ta không nhất thiết phải khư khư ôm cái định nghĩa rằng khởi nghiệp là sẽ thoát ra được khỏi mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, giữa làm chủ và làm thuê. Rất nhiều các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đã thú nhận mình vừa là ông chủ và cũng là người làm thuê cho chính bản thân mình với áp lực nặng nề về thời gian và tiền bạc. Rõ ràng, sự thoát ly công việc không giúp bạn giải quyết các vấn đề nội tại nếu bản thân chưa thực sự sẵn sàng về năng lực và nguồn lực.
Một điều quan trọng nữa là chúng ta cần phải hiểu về tập thể trước thì mới có thể có được khả năng tạo ra một tập thể. Những năm tháng chúng ta làm thuê sẽ trao dồi không những kỹ năng về nghiệp mà còn về kỹ năng xã hội, giao tiếp và ứng xử với con người (Interpersonal skills). Chưa dừng lại ở việc cần hiểu một tập thể, bạn cần phải lãnh đạo được tập thể đó. Những kỹ năng vừa kể, không phải tự nhiên mà có mà là phải trao dồi, học hỏi và rèn luyện mới hình thành được.
Và nếu một công ty mang lại cho bạn cả hai lựa chọn: xây dựng sự nghiệp và cơ hội khởi nghiệp, liệu bạn nghĩ gì về điều đó? Nếu đã có Hợp kênh (Omni Channel), tại sao không có hợp nghiệp? Trước khi cơ hội đó đến với bạn, hãy đóng cửa sổ bài này lại và làm việc, trau dồi và phát triển bản thân. Hãy luôn sẵn sàng!