Bình Định kỳ vọng việc thay đổi tính chất và mở rộng không gian Khu kinh tế Nhơn Hội cùng những chủ trương mới trong phát triển công nghiệp công nghệ 4.0, du lịch đặc trưng... sẽ tạo bứt phá mạnh mẽ.
Công trình ở khu đô thị khoa học Quy Hòa
Điều này sẽ giúp tỉnh lọt vào tốp đầu tăng trưởng ở miền Trung.
Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu tỉnh Bình Định lần thứ XX (diễn ra từ ngày 14 đến 16-10-2020) nêu 5 trụ cột tăng trưởng của Bình Định trong 5 năm tới. Trong đó phần lớn đều có "bóng dáng" của Khu kinh tế Nhơn Hội, nơi được xem là trung tâm và là động lực tạo đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đó là phát triển công nghiệp, du lịch, kinh tế đô thị gắn với đô thị hóa, phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch...
"Khát vọng của Bình Định là trong 5 năm tới, từ một tỉnh tăng trưởng khá trong số 14 tỉnh, thành miền Trung, sẽ vươn lên thành tỉnh nằm trong tốp đầu của khu vực." Ông HỒ QUỐC DŨNG (phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)
Thay đổi quan trọng
Theo ông Cao Thanh Thương - phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, đến nay Khu kinh tế Nhơn Hội có 92 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 77.769 tỉ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 21.169 tỉ đồng (trong đó có 13 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 579 triệu USD) và đã có 26 dự án đi vào hoạt động.
"Mặc dù chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định đặt ra, nhưng so với một số khu kinh tế trong khu vực thì đây là con số khá ấn tượng" - ông Thương nói.
Một thay đổi quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo một Khu kinh tế Nhơn Hội mới chính là quyết định của Thủ tướng vào ngày 8-5-2019 phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 theo hướng giảm diện tích đất công nghiệp và tăng diện tích đất dịch vụ đô thị tại khu vực bán đảo Phương Mai.
Theo ông Thương, đây là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng, tạo tiền đề để phát triển các khu dân cư, dịch vụ thuộc khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội. Tỉnh đã mạnh dạn bỏ chủ trương dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội ở khu kinh tế này vì lo lắng ô nhiễm môi trường.
Những năm tới, tỉnh sẽ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định để đầu tư, phát triển các phân khu đô thị, du lịch, dịch vụ trong Khu kinh tế Nhơn Hội, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Khu kinh tế Nhơn Hội cũng đã và đang thu hút nhiều dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"Không chỉ cho hi vọng thu hút từ 2-6 tỉ USD đầu tư vào đây, mà khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ này còn hình thành một khu vực vừa phát triển công nghiệp, vừa đô thị và dịch vụ rất hiện đại, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Bình Định hi vọng đây là dự án sẽ góp phần lớn để tỉnh tự chủ ngân sách" - ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đặt niềm tin.
Quốc lộ 19 mới mở toang cửa ngõ từ Tây Nguyên và vùng ba biên giới Lào - Campuchia - Đông Bắc Thái Lan đến cảng biển Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội
Những con đường mở hướng tương lai
Ông Lê Hữu Lộc - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - nói rằng điều ông thấy phấn khởi nhất là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với Nhơn Hội, với cảng biển, với TP Quy Nhơn mới hoàn thiện trong năm 2020.
Đó là quốc lộ 19 mới (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1) với 6 làn xe, dài gần 17,5km, tổng mức đầu tư 4.410 tỉ đồng đã mở toang cánh cửa từ Tây Nguyên và vùng ba biên giới với Lào - Campuchia - Đông Bắc Thái Lan xuống cảng biển Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội.
Đó là quốc lộ 19B với 4 làn xe, nối từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội với mức đầu tư 1.825 tỉ đồng.
Đó là đường phía tây (ĐT 638) nối TP Quy Nhơn thẳng đến Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định dài gần 14km, với 6 làn xe, mức đầu tư 1.554 tỉ đồng...
Hiện nay, cung đường ven biển từ TP Quy Nhơn đi huyện Hoài Nhơn có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng cũng đang triển khai. Có thể nói, đó là những con đường mở hướng tương lai cho Bình Định.
Bình Định cũng là địa phương "đi tắt, đón đầu" trong phát triển công nghiệp công nghệ 4.0 với hi vọng sẽ thành tỉnh tiên phong ở miền Trung trong lĩnh vực này. Hiện nay đã hình thành Trung tâm công nghệ AI do FPT đầu tư tại khu Long Vân và khu đô thị khoa học Quy Hòa với Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành của GS Trần Thanh Vân, Công viên sáng tạo TMA Bình Định.
"Chúng tôi kỳ vọng Bình Định - Quy Nhơn sẽ là điểm đến của khoa học, là nơi đi đầu trong phát triển, sản xuất, xuất khẩu sản phẩm trí tuệ nhân tạo và công nghệ phần mềm" - ông Hồ Quốc Dũng nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho hay cũng sẽ tìm hướng để phát triển du lịch với những đặc thù riêng với hi vọng 5 năm tới, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, thương hiệu du lịch Bình Định không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả quốc tế.
Ông Hồ Quốc Dũng với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão
5 trụ cột tăng trưởng của Bình Định giai đoạn 2020 - 2025
1. Phát triển công nghiệp: đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh.
2. Du lịch: tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm để đầu tư, quản lý hoạt động du lịch hướng đến phát triển bền vững.
3. Dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không: tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn hiện có gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất; đồng thời nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng.
4. Phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản: dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng.
5. Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa: tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp và việc mở rộng giao thông như Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex Bình Định, đường ven biển, đường nối sân bay Phù Cát - Nhơn Hội...; quy hoạch đường sắt nội đô nối Cát Tiến với trung tâm Quy Nhơn.
Nguồn: Tuổi Trẻ