Là một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM, tuyến metro 4 khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị và ảnh hưởng tích cực tới thị trường bất động sản khu vực Nam Sài Gòn.
Tuyến metro số 4 còn có tên gọi là Tuyến 4: Thạnh Xuân – Hiệp Phước hay Tuyến Gò Vấp. Đây là tuyến đường sắt đô thị quan trọng thuộc hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Hiện, dự án đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư.
Thông tin tổng quan dự án tuyến Metro số 4
Tuyến metro số 4 bắt đầu từ Thạnh Xuân (quận 12), đi qua Bến Thành (quận 1), kết thúc tại khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và là tuyến metro dài nhất trong số 8 tuyến đường sắt đô thị thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư 97.000 tỷ VNĐ, được hứa hẹn sẽ làm giảm tải áp lực lớn cho giao thông đường bộ trong TP.HCM.
Đơn vị quản lý: Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM.
Chủ đầu tư dự án: Ngân hàng Xuất nhập khẩu KEXIM Hàn Quốc.
Nhà thầu: Đang tuyển chọn.
Loại đường sắt: Tàu điện ngầm.
Hướng tuyến metro số 4: Thạnh Xuân (quận 12) – Hà Huy Giáp – Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm – Phan Đình Phùng – Hai Bà Trưng – Bến Thành (quận 1) – Nguyễn Thái Học (quận 1) – Tôn Đản (quận 4) – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7 – huyện Nhà Bè) – Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Độ dài toàn tuyến: Khoảng 36,2km (trong đó có khoảng 19,9km đi trên cao và khoảng 16,3km đi ngầm dưới lòng đất).
Tổng số lượng ga: Có 32 ga (trong đó có 14 ga ngầm đất và 18 ga ở trên cao).
Hình thức đầu tư dự kiến: ODA, PPP…
Dự án tuyến metro số 4 lập quy hoạch 2 trạm bảo dưỡng kỹ thuật (depot) để bảo trì và sửa chữa đầu máy toa tàu. Trong đó:
Depot số 1 ở phường Thạnh Xuân (quận 12), có diện tích khoảng 27ha.
Depot số 2 ở Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có diện tích khoảng 20ha.
Các giai đoạn triển khai:
Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã nghiên cứu và đưa ra 4 giai đoạn triển khai dự án tuyến metro số 4:
Giai đoạn 1A: Từ công viên Gia Định đến đường Hoàng Diệu (quận 4), bao gồm depot tại Công viên Gia Định. Giai đoạn này có chiều dài khoảng 6,375km.
Giai đoạn 1B: Từ công viên Gia Định đến điểm đầu của tuyến metro số 4 là ga Thạnh Xuân (quận 12). Giai đoạn này có chiều dài khoảng 6,975km.
Giai đoạn 1C: Từ đường Hoàng Diệu đến ga Phước Kiển. Giai đoạn này có chiều dài khoảng 6,975km, được đánh giá là giai đoạn thực hiện lâu nhất vì vấn đề giải tỏa mặt bằng.
Giai đoạn 2: Từ Phước Kiển đến bến tàu Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Giai đoạn này có chiều dài khoảng 17,35km, được đầu tư nhiều nhất.
Tiến độ Dự án:
Hiện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình, lập hồ sơ cắm mốc giới và bàn giao cho địa phương để quản lý quy hoạch. Dự án đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Như đã đề cập ở trên, đây là tuyến Metro dài nhất trong tổng số 8 tuyến Metro của thành phố nên thời gian lập hồ sơ và nghiên cứu ngân sách dự kiến hoàn thành vào quý 3/2022 và sẽ được triển khai, khởi công sau quý 2/2026.
Thông tin chủ đầu tư tuyến Metro số 4:
Ngân hàng Xuất nhập khẩu KEXIM Hàn Quốc được UBND TP.HCM chấp thuận nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án tuyến metro 4. Đơn vị này được thành lập năm 1976 với nhiệm vụ cung cấp tín dụng xuất nhập khẩu và các chương trình bảo lãnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh ở nước ngoài.
Tại Việt Nam, ngân hàng KEXIM đã tài trợ nhiều dự án giao thông như dự án đường Tân Vạn – Nhơn Trạch, các dự án xử lý nước thải, nhiệt điện. Bên cạnh đó, KEXIM cũng là đơn vị tài trợ vốn cho tuyến metro số 4b giai đoạn 1.
Vai trò của tuyến Metro số 4:
Trên thế giới, tại các khu đô thị phát triển, các nhà ga tàu điện ngầm chính là trung tâm để phát triển các khu đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Mô hình này được gọi là TOD. Ở Việt Nam, mô hình TOD còn mới mẻ, mới được quan tâm, nghiên cứu khi phát triển 2 khu đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Riêng tại TP.HCM, mô hình này được nghiên cứu phát triển tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành. Theo đó, đô thị được phát triển theo định hướng: Xây dựng những khu vực hợp đô thị sử dụng hỗn hợp cả chiều ngang và chiều thẳng đứng, ở khoảng cách cho phép người dân có thể đi bộ quanh các nhà ga, trên các tuyến vận tải công cộng có công suất lớn giống như tuyến metro số 4.
TP.HCM với quy mô hơn 10 triệu dân, tình trạng ách tắc giao thông diễn ra hàng ngày với mức độ nghiêm trọng. Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng với công suất lớn thay cho phương tiện cá nhân sẽ giúp giải quyết tình trạng này và tuyến metro số 4 chính là lựa chọn tối ưu cho khu Nam Sài Gòn. Ngoài ra, tuyến metro số 4 cũng mang lại cho người dân sự an toàn, thuận tiện khi di chuyển, giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng của việc lái xe, nhất là đối với những người ở xa mà làm việc ở trung tâm thành phố. Việc giảm bớt số lượng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông cũng góp phần giảm thiểu lượng khí thải vào môi trường, mang lại môi trường sống lành mạnh hơn.
Ảnh hưởng đến thị trường bất động sản:
Thông tin về tuyến Metro số 4 được người dân đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây ngay cả khi dự án này mới ở giai đoạn kêu gọi đầu tư. Theo nhận định của các chuyên gia, tuyến metro số 4 đi vào hoạt động sẽ tác động mạnh mẽ đến diện mạo đô thị. Cụ thể, các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi, các dự án nhà ở sẽ có xu hướng được đặt gần hệ thống nhà ga metro cho phép người dân dễ dàng tiếp cận và làm gia tăng giá trị bất động sản tại các khu vực mà tuyến metro số 4 đi qua. Sau khi tuyến metro số 4 hoàn thành và đi vào hoạt động, thị trường bất động sản tại quận 7 và huyện Nhà Bè trở nên rất tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản tầm cỡ. Tiêu biểu như các dự án khu đại đô thị 350ha GS Metrocity, khu dân cư PAX Residence, dự án La Partenza Nhà Bè, khu dân cư Làng Đại học Nhà Bè, khu dân cư Đài Sư Tích Phước Kiển, dự án Celesta Rise Nhà Bè, khu căn hộ resort Picity High Park…
(Theo Nhịp sống Đô thị, Batdongsan.com.vn)