BẠN ĐÃ BIẾT GÌ VỀ QUY HOẠCH
Quy hoạch 1/25.000, 1/10.000, 1/5.000, 1/2.000, 1/500 là gì?
Chúng ta hay nghe tới Quy hoạch với các tỉ lệ như 1/25.000, 1/10.000, 1/5.000 và đặc biệt là Quy hoạch 1/2.000, Quy hoạch 1/500, vậy thì những khái niệm này nên hiểu như thế nào?
Các loại liệt kê ở trên chính là Tỉ lệ quy hoạch, Tỉ lệ càng cao thì độ chính xác càng thấp. Như các tỉ lệ 1/25.000, 1/10.000, 1/5.000 là các loại quy hoạch mang tính Định hướng, nghĩa là chỗ này sẽ làm gì, chỗ kia sẽ làm gì, độ chính xác thấp có nghĩa là với các quy hoạch loại đó, thì sai số có thể lên đến hàng trăm mét so với thực tế, ví dụ, quy hoạch loại này sẽ xác định có 1 con đường đi qua khu vực đó, nhưng đi chính xác chỗ nào thì không biết. Thế nên với các tỉ lệ cao thì Quy hoạch chỉ mang tính tham khảo và định hướng. Cho đến Quy hoạch 1/2.000 và 1/500 thì mới có tính chính xác và pháp lý cụ thể.
Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 (ảnh minh họa)
Quy hoạch 1/2.000 là do nhà nước lập, được cập nhật theo định kỳ 05 năm 1 lần. Ngoài ra quy hoạch này cũng có thể cập nhật không định kỳ khi có sự thay đổi nào đó. Quy hoạch 1/2.000 là một tài liệu pháp quy có tính pháp lý. Và với quy hoạch loại này, thường làm đến khu vực, khu phố, các tuyến đường liên kết.
Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (ảnh minh họa)
Quy hoạch 1/500 là thường do doanh nghiệp lập, việc lập quy hoạch 1/500 phải phù hợp với quy hoạch 1/2000. Có thể hiểu quy hoạch 1/500 là chi tiết hơn so với quy hoạch 1/2.000, quy hoạch 1/500 tham chiếu đến từng lô đất, từng con hẻm với độ chính xác cao.
Như thế, nói về tính pháp lý, chỉ có Quy hoạch 1/2000 và 1/500 là có tính pháp lý cụ thể. Còn tất cả các loại quy hoạch khác chỉ mang tính tham khảo. Và trong thực tế, có những nơi chưa có Quy hoạch 1/2000, lúc này doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai quy hoạch 1/500.
Có bao nhiêu loại Quy hoạch?
Như ở trên đã nói đến các tỉ lệ Quy hoạch, vậy có một câu hỏi đặt ra là với mỗi cấp Quy hoạch như thế thì có bao nhiêu loại Quy hoạch.
Có nhiều loại Quy hoạch cho các mục đích khác nhau, nhưng quan trọng nhất phải kể đến gồm:
- Quy hoạch sử dụng đất: Cái này quan trọng nhất, để cho biết Đất đó có mục đích sử dụng là gì trong tương lai, và hệ số sử dụng đất (FAR) là bao nhiêu.
- Quy hoạch giao thông: Nói về các con đường, lộ giới, đường nội bộ, hẻm…
- Quy hoạch xây dựng: Nói về các chỉ giới xây dựng (hay chỉ giới đường đỏ), hiểu nôm na là khoảng lùi trong xây dựng, mật độ xây dựng, tầng cao…
- Quy hoạch phân lô: Là chi tiết ô phố ra từng lô đất nhỏ.
Tất cả các loại quy hoạch này có thể được thể hiện chung trên 1 bản vẽ, cũng có thể được thể hiện trên nhiều bản vẽ khác nhau.
Ngoài các loại quy hoạch ở trên, còn có các loại khác như quy hoạch cao độ, quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch đô thị…
Tại sao lại phải kiểm tra quy hoạch với bất cứ mảnh đất nào mặc dù đã có Sổ (GCN QSDĐ)?
Quy hoạch như đã nói ở trên là Kế hoạch, vậy thì có Kế hoạch thì sẽ có Hiện trạng. Trong các giấy tờ về pháp lý Sở hữu, chỉ ghi Hiện trạng ngay thời điểm cấp Giấy. Vậy thì điều gì xảy ra khi Quy hoạch 5 năm đổi 1 lần, thậm chí đổi mà không cần 5 năm, điều gì đảm bảo rằng kể từ lúc Cấp sổ đến nay Quy hoạch không có gì thay đổi. Vì không đảm bảo nên mới phải đi kiểm tra.
Quy hoạch vùng
Để rõ hơn, chúng ta có ví dụ, GCN quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) của bạn được cấp năm 2005 và ghi mục đích sử dụng là Đất ở. Tuy nhiên hiện tại, sau 15 năm thì ngay tại vị trí đó có 1 con đường đi qua, lúc này, Quy hoạch của thửa đất này trở thành Đất giao thông, không còn là đất ở nữa. Thế nên cần đi kiểm tra thực tế mới chắc chắn bởi những thông tin trên GCNQSD đất có thể thay đổi theo các giai đoạn cụ thể.
Tính pháp lý của Quy hoạch? Quy hoạch là một kế hoạch liên quan đến đất đai của Nhà nước nói chung. Nó không phải là giấy tờ mang tính sở hữu, chủ quyền. Nói cách khác, Quy hoạch chỉ mang tính xác định Thuộc tính của một khu đất, để cho biết khu đất đó được phép làm gì, và làm như thế nào… Và lưu ý rắng, Quy hoạch không thể khẳng định được ai là người Sở hữu khu đất đó.
(Theo Tạp chí Nhà đất Hà Nội)