Đất nền vẫn là phân khúc được giới đầu tư địa ốc ưa chuộng. Nhiều người đặt câu hỏi, sau khi nới giãn cách tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam, liệu đất nền lên cơn sốt?
Theo số liệu khảo sát của các đơn vị nghiên cứu, ngay khi một số tỉnh thành phía Nam nới lệnh giãn cách hoặc gỡ bỏ, thị trường BĐS các tỉnh lân cận Tp.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu…đã có dấu hiệu rục rịch. Mức độ quan tâm của người mua đến BĐS các khu vực này đã tăng lên từ tháng 9 cho đến nay. Cụ thể, mức độ quan tâm BĐS nói chung tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An khoảng 30%, Bà Rịa – Vũng Tàu 35%. So với các phân khúc khác, đất nền nhận được sự quan tâm rõ nét, với mức tăng khoảng 22% so với tháng 8/2021. Cùng với mức độ quan tâm tăng thì giá bán đất nền tỉnh lân cận vẫn tăng bất chấp dịch, như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 7%, Long An tăng 3%...
Chia sẻ tại một chương trình mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, đầu tháng 8, khi nhiều thông tin về nới giãn cách, nhiều nhà đầu tư kì vọng BĐS sẽ bùng nổ vào tháng 10. Tuy nhiên, đến tháng 10 mới nới giãn cách, hiện nhiều dự án đã sẵn sàng kết nối với nhà đầu tư. Nếu việc đi lại giữa các địa phương lân cận TP như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu được thuận lợi thì thị trường BĐS sẽ nhộn nhịp vào tháng 11. Khi đó, theo ông Hiển, các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đi xem dự án BĐS, thị trường có thể đón đợt sóng mới.
"Thị trường BĐS bị nén nhiều tháng qua. Nhưng các thông tin về quy hoạch, hạ tầng vẫn âm ỉ khiến giá BĐS vẫn gia tăng. Với phân khúc đất nền, Tp.HCM hiện khan hiếm, trong khi các tỉnh lân cận dồi dào, nếu dự án nào đáp ứng được yếu tố dân sinh, hạ tầng hoàn thiện sẽ được chú ý", ông Hiển nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia BĐS cá nhân, ông Phan Công Chánh, hiện nay thị trường BĐS tỉnh lân cận Tp.HCM đã rục rịch trở lại sau thời gian giãn cách kéo dài, nhưng luồng khách đến từ dân địa phương là chính, do việc đi lại liên tỉnh còn hạn chế.
Dự báo của vị chuyên gia này, sau giãn cách, sốt đất có thể sẽ xuất hiện nhưng trong sự kiểm soát. Việc tăng giá phản ánh cho việc thị trường bị dồn nén lâu ngày, chứ khó có sự bùng nổ ngay trong ngắn hạn.
"Dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc hẳn, thị trường đang hồi phục từng bước một. Vì thế, trong ngắn hạn, thị trường đất nền sẽ không sốt mà ở mức độ ấm dần lên. Tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn dè dặt do sợ Covid-19 sẽ quay trở lai. Vì thế, một số nhóm người mua vẫn chùn tay vì lo ngại dịch bệnh. Thị trường BĐS không thể sốt ngay lập tức được, mà cần thời gian phục hồi dần dần", ông Chánh cho hay.
Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy, là thị trường BĐS đang đón những thông tin tích cực như đang tìm BĐS để giải ngân; dòng tiên từu các kênh khác như vàng, chứng khoán cũng đang dồn về BĐS. Có nhiều NĐT thắng ở các kênh đầu tư khác tìm thêm kênh trú ẩn an toàn là BĐS.
"Sốt đất trong mức độ được kiểm soát thì ủng hộ, còn việc giá đất tăng chóng mặt khắp nơi thì thị trường BĐS khó phát triển bền vững", ông Chánh chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Việt Anh, Tổng Giám đốc Hưng Vượng Holdings cho hay, 4 tháng giãn cách, doanh nghiệp tổ chức hoạt động bán đất nền online, có giao dịch nhưng chưa bùng nổ. Nhu cầu của thị trường là có nhưng quyết định còn do dự. Vì thế, sau giãn cách, thị trường BĐS mới chỉ "manh nha" quay trở lại, để thị trường nóng lên có thể tháng 11, tháng 12, khi mà việc đi lại liên tỉnh được dễ dàng hơn.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS TP. HCM và các tỉnh lân cận dù suy giảm giao dịch nhà đất mạnh trong quý 3 vừa qua, nhưng mức độ quan tâm tìm kiếm BĐS vẫn khá cao. Trong bối cảnh hiện tại, Tp.HCM cơ bản đã không chế được dịch bệnh và phần nào hướng đến mục tiêu phủ 99% vaccine toàn dân. Nếu những thành quả chống dịch của thành phố được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, dự báo Tp.HCM cũng như các tỉnh lân cận có thể phục hồi hoàn toàn nhu cầu giao dịch nhà đất trong thời điểm cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
(Theo Nhịp sống Kinh tế - CafeF ngày 18/10/2021)
https://cafef.vn/lieu-xuat-hien-con-sot-dat-nen-ngay-khi-tphcm-va-cac-tinh-phia-nam-noi-gian-cach-20211016144835747.chn