Theo một khảo sát của tổ chức hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu Startup Genome, 74% các startup tại 45 quốc gia buộc phải sa thải nhân viên toàn thời gian vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với mô hình tăng trưởng dựa trên quá trình “đốt tiền” nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, giai đoạn khủng hoảng càng khiến các startup khó khăn chồng khó khăn khi việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư bị gián đoạn, nguồn vốn tín dụng khó tiếp cận vì bản chất rủi ro trong mô hình kinh doanh.
Trào lưu khởi nghiệp trước Covid-19
Dễ dàng nhận thấy trong vài năm trở lại đây, khởi nghiệp là cụm từ được nhắc rất nhiều trên các phương tiện truyền thông với các ví dụ thành công trên thế giới và cả tại Việt Nam. Viễn cảnh chỉ trong vài năm xây dựng, từ một công ty vô danh trở thành kỳ lân với giá trị tỷ đô tạo ra sức hút mãnh liệt không những với các bạn sinh viên mới ra trường mà còn với cả lớp nhân viên văn phòng có sự nghiệp ổn định tại các công ty đa quốc gia. Bỏ qua tỷ lệ thất bại trung bình của các startup dao động từ 80-95%, đa số các trường hợp chuyển từ công việc tại công ty, tập đoàn sang khởi nghiệp đều nêu lý do cho sự mạo hiểm của mình: Nếu thất bại, cùng lắm thì quay trở lại đi làm, nếu cuộc sống giữa thành phố có khó quá thì cùng lắm mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau.
Sau Covid, thế giới đã không như trước và đâu là công việc mơ ước
Tính đến ngày 10/10/2020, toàn thế giới có hơn 37 triệu người nhiễm Covid-19 với hơn 01 triệu người tử vong. Giãn cách xã hội, suy thoái kinh tế hay xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu đã không còn là những cụm từ xa lạ mà tất cả chúng ta đều phải đang thích nghi với một trật tự mới, một giai đoạn “bình thường mới”. Tuy vậy, giãn cách xã hội cho tất cả chúng ta một bài học tuyệt vời từ sự đầm ấm của gia đình nơi luôn là nền tảng vững chắc trong những thời khắc khốn khó nhất. Suy thoái kinh tế thức tỉnh những tâm hồn vật chất luôn đánh cược với rủi ro và quên đi tác động không nhỏ không chỉ cho bản thân mà cả những người thân thuộc nếu điều không may xảy ra. Quá trình tái sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra rất nhiều cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, những công ty bản địa có nền tảng vững chắc tiến xa hơn trong sân chơi toàn cầu.
Vậy đâu là công việc mơ ước hiện tại?
Đó là các công ty đầu nghành trong các lĩnh vực, với lịch sử hình thành lâu dài và nền tảng kinh doanh vững chắc có thể tồn tại qua các giai đoạn biến động nhất. Các công ty này có thương hiệu và sản phẩm được mọi người đón nhận và tin tưởng.
Đó là các công ty tạo dựng giá trị gắn kết mang tính nhân văn trong triết lý kinh doanh và cả trách nhiệm xã hội. Họ sẽ làm gì khi tổ chức gặp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm? Hãy nhìn vào các chính sách nhân sự được áp dụng trong giai đoạn Covid để đánh giá triết lý này một cách rõ nét nhất thay vì các khẩu hiệu tươi đẹp trước đây.
Đó là các công ty có tiềm lực mạnh mẽ và tận dụng thời cơ để phát triển lên các tầm cao mới. Họ không chỉ vượt qua khủng hoảng một cách êm ái mà còn tích luỹ nguồn lực và mở rộng phạm vi kinh doanh. Như chính lời khuyên từ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi. Hãy sợ hãi khi người khác tham lam”.
Đây chính là các công ty đi ngược số đông, có nền tảng bền vững nhưng vẫn tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhất và có thể đem lại những công việc đáng mơ ước và thú vị nhất.